19/08/2014 07:38 GMT+7

Nỗi sợ hãi bao trùm Tây Phi

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Trong khi chờ thuốc điều trị Ebola, các nước Tây Phi cũng mở thêm trung tâm điều trị mới, nhưng việc kiểm soát dịch bệnh vẫn nằm ngoài tầm tay.

Binh sĩ Liberia canh gác ở lối vào một khu vực dân cư tại tây bắc trong chiến dịch phong tỏa Ebola - Ảnh: Reuters
Binh sĩ Liberia canh gác ở lối vào một khu vực dân cư tại tây bắc trong chiến dịch phong tỏa Ebola - Ảnh: Reuters

Nhiều người dân Tây Phi bị bao vây trong cái chết, do dịch bệnh lẫn cái đói, khi chính quyền một số nước phong tỏa cách ly những ngôi làng ở trung tâm ổ bệnh. Ebola buộc họ phải chọn giữa ở lại với căn bệnh trong khi thực phẩm, thuốc men cạn dần, hay là bỏ làng ra đi bất chấp nguy cơ làm lây lan dịch. Sự sợ hãi khiến một đám người có vũ trang tấn công một trung tâm cách ly ở Liberia khiến những bệnh nhân thoát ra ngoài.

"Khi tôi trở về, nhiều người bị sốc khi thấy tôi, như thể thấy con ma trước mặt họ"

Một nữ giáo viên 24 tuổi ở Conakry (Guinea) kể về việc mình được cứu sống sau khi nhiễm Ebola nhưng cộng đồng xung quanh lại không chấp nhận sự thật đó

Dịch Ebola đến nay làm ít nhất 1.145 người thiệt mạng ở các nước Tây Phi, nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cảnh báo con số có thể cao hơn do nhiều cộng đồng nằm trong các khu rừng chưa được tiếp cận.

Kênh CBS dẫn lời một bác sĩ cấp cao làm việc ở Tây Phi cho rằng con số thực có thể cao hơn đến 50% những gì được báo cáo.

Những ngôi làng dịch bệnh

Ở làng Boya phía bắc Liberia, anh Joseph Gbembo sống sót sau khi nhiễm Ebola, nhưng phải chăm lo 10 đứa trẻ và năm góa phụ sau khi chín người trong gia đình anh thiệt mạng vì dịch.

Hàng xóm sợ hãi không dám nói chuyện với Gbembo, đổ lỗi cho anh mang bệnh vào làng và lo sợ cả nạn đói đang chực chờ. “Nếu không có đủ thuốc men, thực phẩm và nước, các cộng đồng sẽ bỏ đi và làm tăng nguy cơ lây lan virút” - nhân viên tổ chức từ thiện Plan International nói với Reuters.

Nữ Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf đã áp dụng hàng loạt biện pháp mạnh để ngăn dịch lây lan như cách ly các khu dân cư và lập hàng rào y tế để ngăn Ebola đi vào các thành phố. Hàng rào lập xung quanh những khu vực có đến 70% người dân nhiễm bệnh và binh sĩ được điều động phong tỏa các ngôi làng để ngăn người dân bỏ nhà cửa.

“Cứ như có chiến tranh. Mọi thứ đều hoang tàn” - anh Adolphus Scott, thuộc Tổ chức Unicef, mô tả ngôi làng Zango Town nơi hầu hết người dân đã chết hoặc bỏ đi nơi khác.

Việc cách ly áp dụng trong tình hình phần lớn người nhiễm bệnh tại Liberia vẫn ở ngoại trú, một phần vì các bệnh viện không còn chỗ và phần khác vì sợ bệnh viện như những nơi chờ chết. Tổng cộng hơn một triệu người ở trung tâm dịch Ebola tại ba nước Guinea, Liberia và Sierra Leone đang bị cô lập và sống nhờ vào lương thực cứu trợ.

Tuy nhiên, chuyên gia chính sách y tế Robert Dingwall thuộc Đại học Nottingham Trent cảnh báo việc cách ly gây nguy hiểm những người khỏe mạnh và khuyến cáo các nước cần tập trung vào giáo dục phòng ngừa bệnh, lập các lò hỏa táng và có thiết bị bảo vệ hiệu quả.

Nỗi sợ hãi bao trùm

Chính phủ Guinea thông báo sẽ mở lại trung tâm điều trị Ebola ở khu vực đông bắc dành cho các công dân trở về từ biên giới Liberia và Sierra Leone. New York Times đưa tin Liberia đã mở trung tâm điều trị Ebola lớn gần thủ đô Monrovia sau khi xảy ra vụ tấn công vũ trang một trung tâm khác gần đó.

Trung tâm mới dự kiến tiếp nhận được 120 bệnh nhân và tăng lên 400 người sau khi mở rộng. Nhưng “nó sẽ sớm đầy thôi và tình hình sẽ tiếp tục tệ trở lại” - điều phối dự án Lindis Hurum cho Tổ chức Thầy thuốc không biên giới ở Monrovia nhận định.

Trước đó một ngày, nhiều người có vũ trang ở khu West Point gần Monrovia đã tấn công trung tâm điều trị tại đây, cướp phá đồ đạc và “giải thoát” gần như toàn bộ bệnh nhân bên trong. “Nhìn từ nhà này sang nhà khác có thể thấy người ta chạy đi với những đồ đạc cướp từ các bệnh nhân” - AP dẫn lời một cảnh sát địa phương mô tả. Nguy hiểm hơn hết là nhiều dụng cụ bị cướp như nệm, chăn dính máu, chất nôn của người bệnh làm bùng lên lo ngại dịch bệnh sẽ lan khắp khu vực này.

AFP cho biết những thanh niên cầm gậy gộc hét lên rằng: “Không có Ebola ở Liberia” khi phá cửa trung tâm. Theo lãnh đạo Hiệp hội Nhân viên y tế Liberia George Williams, trung tâm có khoảng 29 bệnh nhân nhưng trước đó một số người đã được người thân ép đem về nhà.

“Đây là vụ tấn công của những người sợ hãi bệnh Ebola - người phát ngôn cảnh sát quốc gia Sam Collins nói - Tất cả mọi người đều sợ”. Nhiều người dân ở Liberia không muốn thành lập các trung tâm dịch bệnh.

Sự tức giận ngày một gia tăng trong các cộng đồng ở Tây Phi do bất mãn với các quan chức, sợ hãi các trung tâm y tế xuất phát từ thiếu hiểu biết về dịch bệnh. Niềm tin vào chính phủ cũng giảm mạnh thời gian qua khi có tin đồn rằng chính quyền có thể xóa sổ toàn bộ khu dân cư như West Point của Liberia.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên